Bảo vật quốc gia nằm trên đồi chè
Năm 1981, đang đào đất sang cát cho mẹ trên một quả đồi, ông Đinh Khắc Lân bất ngờ đào phải chiếc trống đồng.
Quả đồi trồng chè cao hơn khoảng 10 m so với mặt ruộng xung quanh, khi đó thuộc đội 3, hợp tác xã Quảng Lễ, xã Quảng Chính, huyện Đầm Hà nay là xã Quảng Chính, huyện Hải Hà. Trống được tìm thấy ở độ sâu 50 cm, không chôn kèm hiện vật khác.
Ông Lân mang trống đồng về nhà cất giữ. Đến năm 1983, cán bộ điạ phương biết tin, vận động gia đình ông Lân giao trống cho chính quyền huyện. Năm 1990, trống được chuyển về Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh trưng bày. Nhận thấy đây là hiện vật giá trị từ nền văn hóa Đông Sơn, nhiều chuyên gia đã đến nghiên cứu.
Trống đồng Quảng Chính nặng 12,7 kg, cao 31 cm, đường kính mặt 40 cm, đường kính đáy 54 cm, có niên đại văn hóa Đông Sơn, khoảng thế kỷ III - II trước Công Nguyên. Chiếc trống còn tương đối nguyên vẹn, phần mặt bị thủng một lỗ nhỏ.
Trống có hình trụ tròn, tang phình, thân thắt, chân choãi. Tang trống phần trên phình ra hình nón cụt, giữa thắt lại hình trụ tròn, phần chân loe ra hình phễu.
Phần mặt trống có hoa văn hình ngôi sao 16 cánh, nằm chính giữa tượng trưng cho thần Mặt Trời. Theo quan niệm của người Việt cổ, thần Mặt Trời mang lại sự sống cho con người. Bao quanh ngôi sao là các vòng tiếp tuyến, động vật và các hoa văn hình học, hoa văn răng cưa...
Phần tang trống thể hiện hình ảnh con người trong các tư thế động như chèo thuyền.
Phần thân trống trang trí hoa văn khắc vạch và hoa văn chữ S chia làm 12 ô tượng trưng cho 12 tháng trong năm, giữa các ô là 12 con chim có thể là hình tượng của chim Bồ Nông mỏ dài với nhiều tư thế đứng khác nhau.
Số lượng mẫu hoa văn cũng như 12 chú chim Bồ Nông tương đương 12 tháng trong năm, bốn chim Hạc tượng trưng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.
Ông Kiều Đinh Sơn, giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh cho hay, trống đồng Quảng Chính được chế tác bởi các nghệ nhân đúc đồng lành nghề. Họa tiết trên trống đồng thể hiện trình độ cao về kỹ năng tạo hình.
Đầu năm 2020, trống đồng Quảng Chính được công nhận là bảo vật quốc gia.
Trống đồng không chỉ là nhạc khí mà còn có những chức năng khác như biểu tượng cho quyền lực tôn giáo... Trống được dùng trong các nghi lễ tôn giáo, lễ hội và chiến tranh chống giặc ngoại xâm.
Nguồn: vnexpress.net